Tổng quan Di tích ở Ninh Bình

Tính đến năm 2012, Ninh Bình có 1.500 di tích, trong đó 354 ngôi chùa, 229 đình, 381 đền, 98 miếu, 51 phủ, 149 nhà thờ công giáo, 236 nhà thờ họ. Trong số đó khoảng 1000 di tích thuộc loại di tích hỗn hợp giữa thắng cảnh, khảo cổ, cách mạng, lịch sử và kiến trúc.[1], Có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng là khu du lịch sinh thái Tràng An-Tam Cốc - Bích Động; Cố đô Hoa LưNúi Non Nước. Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới.

Ngoài các kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, các di tích ở Ninh Bình nổi bật lên với tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thánh, thờ Thần và chiếm số lượng lớn di tích liên quan đến hai Triều đại nhà Đinh - Tiền Lê.

Sơ đồ phân bố các di tích thờ Vua ở Ninh Bình

Lịch sử - Địa lý

Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông HồngBắc Trung Bộ. Phía bắc giáp với Hòa Bình, Hà Nam, phía đông giáp Nam Định qua sông Đáy, phía tây giáp Thanh Hóa, phía đông nam giáp biển (vịnh Bắc Bộ). Trung tâm tỉnh là thành phố Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía nam.

Ninh Bình xưa thuộc bộ Quân Ninh, nước Văn Lang. Qua thời thuộc Hán, Lương, vùng đất này thuộc Giao Chỉ, thời thuộc Đường, bắt đầu hình thành Trường Châu. Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế đóng đô tại Hoa Lư và đổi tên gọi Trường Châu thành Trường An. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, Ninh Bình nằm trong phủ Trường An, sau đổi là châu Đại Hoàng vào cuối thế kỷ 12. Đời nhà Trần đổi thành lộ, rồi lại đổi thành trấn Thiên Quan. Đời Lê Thái Tông, Ninh Bình sáp nhập vào Thanh Hóa; đời vua Lê Thánh Tông trở thành thủ phủ trấn trấn Sơn Nam xong rồi lại thuộc về Thanh Hóa cho tới đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Thời nhà Nguyễn, địa bàn Ninh Bình là 2 phủ Trường YênThiên Quan.

Năm 1831, Ninh Bình trở thành một trong số 13 tỉnh ở Bắc Kỳ với 6 huyện Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Gia Khánh, Gia ViễnYên Mô, thuộc Liên khu 3. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam ĐịnhHà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 12 tháng 8 năm 1991[2].

Ở vị trí điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, Ninh Bình bao gồm cả ba loại địa hình. Vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía tây bắc có đỉnh Mây Bạc với độ cao 648 m là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình.[3] Vùng đồng bằng ven biển ở phía đông nam thuộc 2 huyện Kim SơnYên Khánh. Xen giữa 2 vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Rừng ở Ninh Bình có đủ cả rừng sản xuất và rừng đặc dụng các loại. Có 4 khu rừng đặc dụng gồm rừng Cúc Phương, rừng môi trường Vân Long, rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư và rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn. Ninh Bình có bờ biển dài 18 km. Bờ biển Ninh Bình hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100m. Vùng ven biển và biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện 2 đảo thuộc Ninh Bình là đảo Cồn Nổi và Cồn Mờ.

Văn hóa

Ninh Bình nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông HồngBắc Trung Bộ. Đặc điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa Ninh Bình tương đối năng động, mang đặc trưng khác biệt trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở núi Ba (Tam Điệp) thuộc nền văn hóa Tràng An sơ kỳ đồ đá cũ; động Người Xưa (Cúc Phương) và một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng. Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu.

Vùng đất Ninh Bìnhkinh đô Hoa Lư của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba Triều đại Đinh - Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, con sông. Đây còn là vùng đất chiến lược để bảo vệ Thăng Long của Triều đại Tây Sơn với phòng tuyến Tam Điệp, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông với hành cung Vũ Lâm, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần với đế đô ở Yên Mô...

Thế kỷ XVI - XVII, đạo Thiên Chúa được truyền vào Ninh Bình, dần dần hình thành trung tâm Thiên chúa giáo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm đặt tại Kim Sơn với 60% tổng số giáo dân toàn tỉnh.[4] Bên cạnh văn hoá của cư dân Việt cổ, Ninh Bình còn có "văn hoá mới" của cư dân ven biển. Dấu ấn về biển tiến còn in đậm trên đất Ninh Bình. Những địa danh cửa biển như: Phúc Thành, Đại An, Con Mèo Yên Mô, cửa Càn, cửa biển Thần Phù cùng với các con đê lịch sử như đê Hồng Đức, đê Hồng Lĩnh, đê Đường Quan, đê Hồng Ân, đê Hoành Trực, đê Văn Hải, đê Bình Minh I, đê Bình Minh II... Cho đến nay vùng đất Ninh Bình vẫn tiến ra biển mỗi năm gần 100 m. Ninh Bình là một tỉnh mở rộng không gian văn hoá Việt xuống biển Đông, đón nhận các luồng dân cư, các yếu tố văn hoá từ Bắc vào Nam, từ biển vào. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng nổi bật như nghề đánh bắt cá biển, nuôi tôm sú, tôm rảo, nuôi cua... Nếp sống của cư dân lấn biển mang tính chất động trong vùng văn hoá môi trường đất mở.

Danh thắng

Dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc, Bích Động, động Vân Trình, động Tiên, động Thiên Hà, Tràng An, động Mã Tiên... Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động". Ở phía nam thành phố Ninh Bình có một quả núi giống hình một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách khi qua vùng sơn thanh thuỷ tú này. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn như Trương Hán Siêu, Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Xuân Quỳnh về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca. Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.

Danh nhân

Vùng đất Ninh Bình còn là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Trương Hán Siêu, Lý Quốc Sư, Vũ Duy Thanh, Lương Văn Tụy, Ninh Tốn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền...

Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Ninh Bình gắn liền với tín ngưỡng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần thông qua các đền thờ Vua (đặc biệt là các Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Quang TrungTriệu Quang Phục với số lượng vài chục đền thờ mỗi vị); thờ Thánh (Nguyễn Minh Không và các tổ nghề); thờ Thần (phổ biến là các vị thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn và thần Quý Minh trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Di tích ở Ninh Bình http://dulichbaidinh.com/Home/tin-tuc-su-kien/110/... http://www.gcatholic.com/churches/asia/1543.htm http://www.gcatholic.com/churches/data/cathVN.htm#... http://wwww.eicvn.eu/tam-linh/tam-linh/tin-nguong/... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2010/05/3ba... http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Xa-hoi/20... http://www.catholic-hierarchy.org/diocese/dphat.ht... http://daitangkinhvietnam.org/lich-su-phat-giao/ph... http://phatdiem.org/Portal/Desktop.aspx?tabid=11&C... http://afamily.vn/du-lich/20110208020146606/4-den-...